096-2025

16 Quốc tế - Thứ Hai 5-5-2025 Đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran: Có cách gỡ điểm nghẽn? DƯƠNG KHANG Vòng đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran tiếp theo bị hoãn vào phút chót. Mỹ và Iran một lần nữa đứng trước thế bế tắc khi Mỹ trừng phạt và tuyên bố lập trường cứng rắn với Iran, phần mình, Tehran tuyên bố không thay đổi chính sách dưới áp lực của Mỹ. Hoãn đàm phán, thêm bế tắc Vòng đàm phán thứ tư giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân của Iran, dự kiến diễn ra tại thủ đô Rome (Ý) vào ngày 3-5 song đã bị hoãn. Không lâu trước khi bắt đầu vòng đàm phán mới với Iran, Mỹ hôm 30-4 đã công bố một loạt lệnh trừng phạt mới nhắm vào bảy công ty nghi liên quan ngành dầu khí và hóa dầu của Tehran, trong đó có các công ty có trụ sở ở UAE, một công ty của Iran và một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi Mỹ công bố đợt trừng phạt, ngày 1-5 một quan chức cấp cao của Iran nói với hãng tin Reuters rằng ngày tổ chức vòng đàm phán mới sẽ được ấn định “tùy thuộc vào cách tiếp cận của Mỹ”. Đến ngày 2-5, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các đối tác thương mại của nước này sẽ không làm thay đổi chính sách của Tehran, theo hãng tin AFP. “Bất chấp việc Mỹ tiếp tục các hành vi bất hợp pháp này, lập trường hợp pháp, hợp lý và dựa trên luật pháp quốc tế của Iran sẽ không thay đổi” - Bộ Ngoại giao Iran ra tuyên bố, đồng thời lên án việc Mỹ gây sức ép với các đối tác thương mại và kinh tế của Iran. Những diễn biến này làm sâu sắc thêm mối quan ngại liên quan vấn đề hạt nhân của Iran. Theo giới quan sát, các cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ đang vẽ ra cơ hội định hình lại bức tranh an ninh ở Trung Đông và rộng hơn là trên toàn cầu. Nếu đạt được thỏa thuận, căng thẳng có thể hạ nhiệt, giảm nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công quân sự của Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Đồng thời, tiến trình đàm phán cũng là nỗ lực nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Một thỏa thuận khả thi cũng sẽ mở ra cánh cửa cho những thay đổi lớn về kinh tế và chính trị tại Iran. Việc Mỹ nới lỏng trừng phạt sẽ giúp Iran thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài - một yếu tố có thể mang lại cú hích mạnh mẽ cho nền kinh tế được cho là đang gặp khó khăn của nước này. Một trong những điểm bế tắc nhất hiện nay là việc Iran có được tiếp tục làm giàu uranium hay không. Đặc phái viên của Mỹ tại Trung Đông Steve Witkoff đã đề xuất một khuôn khổ thỏa thuận. Việc này cho phép Iran tiếp tục làm giàu uranium ở mức thấp, đủ để sản xuất nhiên liệu năng lượng, miễn là có sự giám sát nghiêm ngặt của quốc tế. Phía Iran cũng bày tỏ sẵn sàng quay lại mức làm giàu uranium 3,67%, đúng như cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama - mức này chỉ đủ dùng cho sản xuất điện dân sự. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho rằng Iran không cần phải tự làm giàu uranium, nếu chỉ nhằm mục tiêu phát triển năng lượng dân sự thì Tehran hoàn toàn có thể nhập khẩu uranium đã làm giàu như nhiều quốc gia khác đang làm. Có cách gỡ bế tắc? Theo giới phân tích, không phải không có cách để gỡ các “điểm nghẽn” trong nỗ lực đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran cũng như quan hệ của hai quốc gia này. Các vòng đàm phán trước đó diễn ra thế nào? Trong vòng đàm phán gần đây nhất vào ngày 26-4, ông Witkoff đã gặp Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi, cùng các nhóm chuyên gia kỹ thuật từ cả hai bên tại Oman và họ đã đàm phán trong nhiều giờ liền. Ông Araghchi cho biết trên truyền hình nhà nước Iran rằng các cuộc đàm phán “rất nghiêm túc và mang tính xây dựng”, tập trung vào các chi tiết của một thỏa thuận tiềm năng. Ông nói vẫn còn tồn tại bất đồng giữa Tehran vàWashington nhưng ông“lạc quan một cách thận trọng rằng chúng tôi có thể đạt được tiến triển”. “Chúng tôi đã tạm gác lại một số vấn đề lớn hơn nhưng điều đó không có nghĩa là mọi khác biệt đều đã được giải quyết” - ông Araghchi nói thêm. Đàm phán cũng bao gồm các buổi làm việc chuyên sâu giữa các nhóm chuyên gia (gồm các nhóm về hạt nhân và tài chính) nhằm thảo luận các chi tiết kỹ thuật như việc giám sát các cơ sở hạt nhân của Iran và xử lý lượng uranium làm giàu cao mà nước này đang nắm giữ, cũng như việc nới lỏng các lệnh trừng phạt. Theo The New York Times, đàm phán vẫn có thể thất bại ở khâu kỹ thuật - vốn là phần khó khăn nhất trong các cuộc thương lượng trước đây. Cũng có khả năng hai bên sẽ trước mắt đạt một thỏa thuận tạm thời để ngừng làm giàu uranium, trong lúc tiếp tục đàm phán cho một thỏa thuận lâu dài hơn. Tiêu điểm Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các đối tác thương mại của nước này sẽ không làm thay đổi chính sách của Tehran. Chuyên gia Sasan Karimi, Giám đốc Chương trình Chính trị quốc tế tại mạng lưới giám sát hạt nhân (NWN), đưa ra một số gợi ý mang tính thực tiễn, có thể giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán đạt kết quả bền vững, theo đài RT. Theo ông, trước hết, Mỹ cần thống nhất lập trường nội bộ, tránh để những tiếng nói bất đồng làm suy yếu tiến trình đã được xây dựng đầy công phu. Cả hai bên nên từ bỏ lối đối thoại dựa trên đe dọa truyền thống để gia tăng uy lực đàm phán, thay vào đó tập trung vào cam kết minh bạch cho các giải pháp hòa bình và ngoại giao. Ông Trump cũng cần nỗ lực đảm bảo các đồng minh của Washington không gây tác động tiêu cực đến tiến trình đàm phán hạt nhân. Về phía Iran, cần chủ động vận động sự ủng hộ và hợp tác thiết thực từ Nga, Trung Quốc và châu Âu, hạn chế tranh chấp không cần thiết để đảm bảo các bên lớn đều có lợi ích gắn kết vào tiến trình. Vai trò của các quốc gia Ả Rập trong khu vực không thể bị bỏ qua. Việc huy động họ cùng chung tay hạ nhiệt căng thẳng, hình thành mô hình “vùng an ninh mạnh” thay vì chỉ tập trung vào “quốc gia mạnh” sẽ góp phần tạo môi trường ngoại giao ổn định hơn. Ông Karimi nhấn mạnh các bên cần khai thác tích cực năng lực giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), phân chia vấn đề thành các hạng mục cụ thể để tránh những yếu tố bên lề làm chệch hướng kết quả đàm phán. Nếu được thực hiện với tầm nhìn chiến lược, những bước đi này có thể mở đường cho một giải pháp bền vững, chấm dứt bế tắc kéo dài hàng thập niên. Hiện tại, cả Iran và Mỹ đều dường như có mong muốn đạt được một thỏa thuận mới và các cuộc đàm phán rất có khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới song điều đó không có nghĩa là một thỏa thuận sẽ sớm đạt được.• quocte@phapluattp.vn Đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran đã bị hoãn sau nhiều vòng gặp nhau, cho thấy nỗ lực tìm tiếng nói chung giữa hai bên về vấn đề hạt nhân Iran không dễ dàng song chuyên gia tin tưởng vẫn có cách tháo gỡ bế tắc. Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff (trái) và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã có các vòng đàm phán hạt nhân trước khi vòng thứ tư dự kiến diễn ra tại Rome (Ý) bị hoãn. Ảnh: AFP Ông Albanese tái đắc cử thủ tướng Úc Ngày 3-5, Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai, theo hãng tin Reuters. Trang web của Ủy ban Bầu cử Úc dự đoán đảng Lao động sẽ giành được 80/150 ghế tại Hạ viện, qua đó củng cố thêm đa số, với 90% số điểm bỏ phiếu đã được kiểm. Đài Truyền hình Quốc gia Úc (ABC) ước tính đảng Lao động giành 85 ghế, liên minh Tự do - Quốc gia bảo thủ có 41 ghế, các ứng viên độc lập có 9 ghế, còn lại 15 ghế chưa thể phân định. “Chính phủ của chúng tôi sẽ lựa chọn con đường của người Úc, vì chúng tôi tự hào về chính mình và tất cả những gì chúng tôi đã cùng nhau gây dựng trên mảnh đất này” - ông Albanese phát biểu trước những người ủng hộ. “Chúng tôi không cần phải vay mượn hay bắt chước bất kỳ ai. Chúng tôi không tìm cảm hứng từ bên ngoài. Chúng tôi tìm thấy nó ngay tại đây, trong các giá trị và con người của chúng ta” - ông Albanese nói thêm. Với chiến thắng này, ông Albanese trở thành thủ tướng Úc đầu tiên trong 20 năm qua giành chiến thắng liên tiếp hai nhiệm kỳ. Trước đó, các cuộc thăm dò bầu cử đến tháng 2 cho thấy người dẫn đầu là lãnh đạo đảng Tự do - ông Peter Dutton. Tuy nhiên, ông Albanese sau đó đã lội ngược dòng ngoạn mục khi các đề xuất chính sách của đối thủ được cho là ngày càng giống Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngày 3-5, ông Dutton đã thừa nhận thất bại và ông cũng mất luôn ghế tại Hạ viện sau cuộc bầu cử. THẢO VY Thủ tướng Úc Anthony Albanese phát biểu tại TP Sydney (Úc) ngày 3-5 sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Úc. Ảnh: BLOOMBERG

RkJQdWJsaXNoZXIy Mjg2ODExMg==