7 Pháp luật & cuộc sống - Thứ Hai 5-5-2025 phapluat@phapluattp.vn SONG MAI Có lẽ nhiều người cho rằng giải quyết một vụ ly hôn thì chỉ xoay quanh quan hệ hôn nhân, con chung, tài sản chung. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử lại muôn hình vạn trạng, với nhiều loại yêu cầu tưởng chừng chỉ thấy trên mạng. Ly hôn, đòi tiền tuổi xuân Ông NHH (48 tuổi) và bà HTV (47 tuổi) kết hôn từ năm 1998. Một thời gian sau, hôn nhân không còn êm đẹp khi bà V thường xuyên ghen tuông vô cớ; vay tiền để chơi lô đề, cờ bạc và xúc phạm chồng, cha mẹ chồng. Nhiều năm sống trong mâu thuẫn khiến ông H không còn tình cảm với bà V. Năm 2022, ông H từng làm đơn ly hôn nhưng được tòa án hòa giải. Cố gắng thêm hai năm để hàn gắn nhưng không thể, ông H kiên quyết nộp đơn ly hôn lần hai. Bà V cho rằng bà đã bị tổn thương bởi ông H ngoại tình và đánh đập, điều này ở địa phương đều nắm được nhưng bà rất thương chồng nên mong muốn được hàn gắn. Xét xử sơ thẩm hồi cuối tháng 9-2023, TAND huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn tuyên chấp nhận cho ông H ly hôn với bà V bởi mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng và không thể hàn gắn. Bà V sau đó đã kháng cáo, yêu cầu ông H chia tài sản chung và bồi thường 100 triệu đồng tiền tuổi xuân cho bà. Ở cấp phúc thẩm, đối với yêu cầu đòi bồi thường tuổi xuân 100 triệu đồng, tòa án cho rằng pháp luật không có quy định nên không có căn cứ xem xét, giải quyết cho bà V. Đòi bồi thường danh dự đời trai, tiền công làm dâu Chị HTKC (33 tuổi) và anh VCL (37 tuổi) kết hôn năm 2017. Một năm sau, cả hai sống ly thân do anh L nghi ngờ chuyện tình cảm nên thường xuyên xúc phạm chị C. Sau đó, chị C đã nộp đơn ly hôn. Anh L cho rằng cả hai không mâu thuẫn mà tranh luận và ra điều kiện nếu chị C vẫn cương quyết ly hôn thì phải trả lại “danh dự một đời trai đã mất” cho anh. Tuy nhiên, tòa án không chấp nhận và nhận định rằng điều này thể hiện anh L không có thiện chí hàn gắn tình cảm. Hay trường hợp của bà NTHA (44 tuổi) đã nộp đơn ly hôn chồng là ông THT (46 tuổi) và yêu cầu cha mẹ chồng phải trả 300 triệu đồng cho công sức làm dâu trong 14 năm. Cha mẹ ông T không đồng ý với yêu cầu của bà A. Bởi vì từ khi kết hôn đến lúc ly thân là 14 năm, bà A và ông T có ba người con và thời gian mang thai, chăm sóc con đã mất gần chín năm. Việc bà A làm dâu là theo phong tục địa phương và chỉ dọn dẹp nhà cửa, rửa chén, nấu cơm nhưng không làm thường xuyên. Cuối năm 2017, TAND huyện Năm Căn, Cà Mau chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà A và ông T. Riêng về phần bồi thường 300 triệu đồng tiền công làm dâu, tòa án không chấp nhận do không có căn cứ. Đòi tiền tổn thất tinh thần để... lấy vợ mới Tháng 1-2024, TAND tỉnh Bạc Liêu đã đưa ra xét xử phúc thẩm một vụ việc khá tréo ngoe. Chẳng là anh BTH cho rằng chị NTY (vợ cũ) và anh ĐQM có mối quan hệ bất chính nên vợ chồng anh mới ly hôn. Điều này khiến tinh thần anh bị ảnh hưởng, không thể tập trung làm việc. Thế nên anh H kiện anh M yêu cầu bồi thường cho anh 100 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần, danh dự và nhân phẩm để anh cưới vợ mới. Theo tòa phúc thẩm, anh H nêu lý do nhưng không có chứng cứ. Bên cạnh đó, anh M chưa có hành vi trái pháp luật ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của anh H nên không làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Tòa phúc thẩm đã bác kháng cáo của anh H do cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần số tiền 100 triệu đồng là có căn cứ. Kiện đòi lại tiền vì phát hiện “nuôi con tu hú” Năm 2021, TAND huyện Thanh Ba xét xử sơ thẩm vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là anh ĐHV (39 tuổi) và bị đơn là chị NTTH (35 tuổi). Nguồn cơn của vụ kiện là sau khi ly hôn, anh V nghi ngờ nên làm giám định ADN, phát hiện một trong hai con chung không phải là con ruột của mình. Anh V đã khởi kiện, yêu cầu chị H phải thanh toán tiền công đã nuôi con từ lúc sinh ra đến khi phát hiện sự việc là 121 triệu đồng, gồm các chi phí tiền ăn, quần áo, thuốc men; tiền học nhà trẻ... và thêm tiền bồi thường 2 triệu đồng/tháng tiền công chăm sóc con. Dù cho rằng anh V đã biết từ khi chưa ly hôn và chấp nhận để “lấy phúc”, tuy nhiên theo tòa, trong thời gian chung sống chị H đã không chung thủy, vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Thiệt hại về vật chất và tinh thần của anh V đương nhiên được mọi người trong xã hội thừa nhận và chị H phải có trách nhiệm bồi thường dù chưa có án lệ hay vụ việc tương tự. Tòa án đã áp dụng lẽ công bằng để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh V, buộc chị H bồi thường cho anh V hơn 96 triệu đồng gồm các khoản tiền bồi thường tổn thất tinh thần, chi phí khi sinh con, tiền công chăm sóc con...• Muôn kiểu kiện đòi khi ly hôn Vụ tai nạn giao thông ở Vĩnh Long: Động thái tích cực từ cơ quan tố tụng (Tiếp theo trang 1) Trước đó, ngay sau khi có thông tin người cha nổ súng bắn tài xế xe tải gây tai nạn làm chết con gái mình xảy ra ở Vĩnh Long, Bộ Công an đã vào cuộc khẩn trương và quyết liệt. Cụ thể, Bộ Công an đã lập tức cử tổ công tác vào làm việc trực tiếp với Công an tỉnh Vĩnh Long để nắm sự việc. Đồng thời, bộ chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Long khẩn trương thẩm tra toàn bộ hồ sơ vụ tai nạn giao thông làm bé Bảo Trân (con gái ông Nguyễn Vĩnh Phúc) tử vong và quá trình giải quyết khiếu nại vụ việc. Bộ cũng chỉ đạo địa phương khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ diễn biến hành vi gây án của ông Phúc và các tình tiết liên quan, trong đó có nguyên nhân, động cơ, mục đích gây án... Ngay sau khi có kết quả xác minh, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao ra quyết định và chỉ đạo cấp dưới giải quyết vụ việc khách quan, toàn diện và triệt để. Đầu tiên phải thấy rất đau lòng khi tiếp sau vụ tai nạn giao thông đó thì cha đứa trẻ đã hành xử rất tiêu cực. Theo đó, sau khi bị VKSND hai cấp tỉnh Vĩnh Long bác đơn khiếu nại (quyết định không khởi tố vụ án hình sự), ngày 28-4, người cha đã bắn tài xế xe tải gây ra tai nạn giao thông khiến con gái ông tử vong. Sau đó, người cha đã dùng súng tự tử; còn tài xế xe tải bị trọng thương, đang được điều trị. Đáng lưu ý là theo kết quả kiểm tra, xem xét của Cơ quan CSĐT Bộ Công an và VKSND Tối cao thì có căn cứ xác định tài xế xe tải có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (theo khoản 1 Điều 260 BLHS). Chi tiết là tài xế đó đã tránh, vượt xe khi không bảo đảm đủ điều kiện an toàn theo luật định (phía trước có chướng ngại vật, có xe chạy ngược chiều). Do đó, việc Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự cùng việc hai viện trưởng VKSND huyện Trà Ôn và tỉnh Vĩnh Long lần lượt bác đơn khiếu nại của cha đứa trẻ là sai trái. Vậy là tới đây tội trạng, hình phạt của tài xế làm chết đứa trẻ sẽ được phán xét cụ thể. Vụ án giết người mà cha đứa trẻ là thủ phạm cũng sẽ có hình thức xử lý phù hợp. Điều gây thắc mắc lúc này là vì sao Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn có hai lần ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoàn toàn sai trái. Lần đầu, căn cứ không khởi tố là “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết” (theo khoản 7 Điều 157 BLTTHS). Ông Phúc khiếu nại, VKSND huyện Trà Ôn chấp nhận một phần khiếu nại, hủy quyết định không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, đến lần hai, căn cứ không khởi tố lại là “không có sự việc phạm tội” (theo khoản 1 Điều 157 BLTTHS). Đến đây thì có lẽ niềm tin vào công lý vừa nhen nhóm trong lòng người cha đã vụt tắt. Với căn cứ nêu ở lần đầu thì đứa trẻ bị cơ quan CSĐT cho là người thực hiện tội phạm nhưng vì trẻ xấu số qua đời nên mới xếp lại hồ sơ. Giải thích sao cho lọt tai nhận định này bởi đứa trẻ chỉ mới 14 tuổi, không thể nào bị xem là có “hành vi nguy hiểm cho xã hội” khi tham gia giao thông? Với điều chỉnh ở lần hai, có thể thấy rằng quan điểm của VKS khi hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự (lần đầu) là do áp dụng “sai căn cứ” chứ không phải là “không có căn cứ”. Đến đây, ắt cố biện bạch kiểu gì cũng không được bởi lẽ hiện trường vụ án thể hiện quá rõ trách nhiệm pháp lý của mỗi bên. Ấy thế mà ở cả hai lần ra quyết định, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn đều bỏ qua dấu hiệu phạm tội của tài xế; còn VKSND hai cấp thì cả ba lần giải quyết khiếu nại đều không làm tròn chức năng kiểm sát của mình… Không thể nào chấp nhận đứa con gái bé bỏng của mình chết tức tưởi còn kẻ gây án lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, người cha đã chọn cách tự giải quyết tiêu cực để đòi lại công lý cho con. Nếu cơ quan điều tra và VKSND ở Trà Ôn, Vĩnh Long xem xét thấu đáo, chính xác vụ việc thì số người chết chỉ dừng lại ở 1 người; tuy nhiên đáng tiếc là đến nay đã có 2 người chết, 1 người bị thương nặng; khiến dư luận xót xa, bất bình… Thân phận pháp lý của người cha và của tài xế có dấu hiệu phạm tội trong vụ án giao thông cũng bị đổi theo khiến nỗi đau của các thân nhân vì thế mà tăng lên gấp nhiều lần. Vụ án “dùng súng bắn tài xế gây ra tai nạn cho con” đang trong quá trình điều tra và biết đâu cái vòng luẩn quẩn cứ bám vào người cha rồi cũng kết thúc ở kết luận: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết”. Thật đau lòng! Theo chỉ đạo của Bộ Công an và VKSND Tối cao, những cán bộ, công chức làm sai sẽ bị xử nghiêm. Chắc chắn không có chế tài nào bù đắp được các thiếu sót, mất mát lớn đã xảy ra nhưng cũng mong đây là bài học đắt giá để những người thực thi pháp luật không để xảy ra những bi kịch tương tự. Luật sư NGUYỄN THỊ THU TÂM (Đoàn Luật sư TP.HCM) Luật và đời Ly hôn đòi tiền bù đắp thanh xuân, danh dự đời trai, tiền công đã “nuôi con tu hú”, tiền công làm dâu... không phải là chuyện trên mạng, đó là thực tiễn xét xử.
RkJQdWJsaXNoZXIy Mjg2ODExMg==