10 kinhtedothi@phapluattp.vn Kinh tế - Thứ Ba 6-5-2025 Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68-NQ/ TW về phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, nghị quyết đánh giá sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Động lực quan trọng nhất Khu vực kinh tế tư nhân hiện có hơn 940.000 doanh nghiệp (DN) và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia… “Nhiều DN tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới” - Bộ Chính trị nhận định. Tuy nhiên, theo Bộ Chính trị, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước. Hầu hết DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế; phần lớn có năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với các DN nhà nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bộ Chính trị đánh giá có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng chủ yếu do tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức. Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao… Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra và đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động cần có những giải pháp tổng thể, toàn diện, đột phá để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là cần thiết và cấp bách. Từ tình hình trên, Bộ Chính trị yêu cầu quán triệt trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững. Cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng. “Xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam” - Bộ Chính trị yêu cầu đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, DN, tôn trọng DN, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Đặc biệt, bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác của đất nước theo quy định của pháp luật… Bãi bỏ lệ phí môn bài, miễn thuế ba năm đầu Để thực hiện các mục tiêu, Bộ Chính trị nêu rõ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, đầu tiên là đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân. “Nhà nước kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trái với nguyên tắc thị trường; xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền với DN cởi mở, thân thiện, đồng hành, liêm chính phục vụ, kiến tạo phát triển” - Bộ Chính trị nêu rõ. Đặc biệt, nghị quyết yêu cầu đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân. Trong đó, Bộ Chính trị lưu ý giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế “xin-cho”, tư duy “không quản được thì cấm”. Người dân, DN được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Quyền kinh doanh chỉ có thể bị hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, môi trường và sức khỏe của cộng đồng và phải được quy định trong luật… “Trong năm 2025, hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của DN tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo” - nghị quyết nêu. Ngoài ra, Bộ Chính trị yêu cầu rà soát, hoàn thiện các chính sách thuế, phí, lệ phí theo hướng bảo đảm đối xử công bằng giữa các thành phần kinh tế, giảm thuế suất, mở rộng cơ sở tính thuế, nhất là thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; nghiêm cấm lạm dụng quyết định hành chính, hành vi bảo hộ cục bộ của ngành, địa phương. “Xử lý nghiêm các hành vi làm hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh” - nghị quyết của Bộ Chính trị yêu cầu. Đặc biệt, Bộ Chính trị lưu ý việc hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số, đặc biệt là công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa, thương mại điện tử… Có cơ chế thử nghiệm đối với những ngành, lĩnh vực mới trên cơ sở hậu kiểm, phù hợp với thông lệ quốc tế. “Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi cá nhân, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức; đồng thời có cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với trường hợp đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan, không tư lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng có thiệt hại do rủi ro khách quan” - Bộ Chính trị yêu cầu. Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng chỉ đạo bãi bỏ lệ phí môn bài; miễn thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa trong ba năm đầu thành lập. Cùng với đó, bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho các chương trình, chính sách hỗ trợ DN, kết hợp huy động nguồn lực từ các quỹ đầu tư của các DN, hiệp hội DN, ngành hàng, viện nghiên cứu, trường đại học... Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị: Xóa bỏ triệt để định kiến về kinh Xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. ĐỨC MINH - NGUYỄN THẢO Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết 57/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối. Phấn đấu có 2 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế, 20 DN hoạt động/1.000 dân. Có ít nhất 20 DN lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10%-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55%-58% GDP, khoảng 35%-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84%-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5%-9,5%/năm. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm ba nước đứng đầu ASEAN và nhóm năm nước đứng đầu khu vực châu Á. Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp trên 60% GDP. Những mục tiêu lớn Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ảnh: QUANG HUY Quyền kinh doanh chỉ có thể bị hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, môi trường và sức khỏe của cộng đồng và phải được quy định trong luật…
RkJQdWJsaXNoZXIy Mjg2ODExMg==