7 Thi hành án dân sự TP.HCM cùng cơ quan phối hợp nhấn nút đưa vào sử dụng hệ thống biên lai điện tử. Ảnh: SONG MAI Pháp luật & cuộc sống - Thứ Hai 7-7-2025 SONG MAI Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) (nay là Cục Quản lý THADS), THADS TP.HCM là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để từng bước đổi mới cách thức hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Tại TP.HCM, nhiều ứng dụng tiện ích đã được triển khai như hệ thống biên lai điện tử, thông báo THADS qua ứng dụng VNeID... Ứng dụng hệ thống biên lai điện tử Hệ thống biên lai điện tử chính thức áp dụng tại TP.HCM từ ngày 23-6-2025. Đến đầu tháng 7-2025, Bộ Tư pháp đã chính thức ứng dụng hệ thống biên lai điện tử vào công tác THADS. Hiện nay, việc lập và phê duyệt biên lai giấy trong công tác THA gặp nhiều bất cập. Bởi việc nhập liệu thủ công mất thời gian, dễ sai sót; chứng từ dễ thất lạc, tra cứu mất thời gian; quy trình phối hợp giữa các bộ phận thiếu chặt chẽ và khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền THA. Phần mềm “Biên lai điện tử - eBienlai” là công cụ nhằm thay thế hình thức biên lai truyền thống. Khi thực hiện nộp tiền THADS, người dân lưu ý các bước sử dụng hệ thống biên lai điện tử như sau: Bước 1: Kiểm tra thông tin trước khi nộp tiền. Hệ thống sẽ hiển thị thông tin người nộp tiền, người nộp tiền kiểm tra lại số tiền cần nộp, tên người nộp và nội dung nộp tiền. Người nộp tiền chọn phương thức nộp tiền bằng mã QR hoặc nộp tiền mặt. Bước 2: Cách nhận biên lai điện tử. Sau khi nộp tiền, người nộp tiền sẽ nhận được tin nhắn qua SMS, email hoặc qua ứng dụng VNeID, trong đó có mã tra cứu biên lai điện tử. Người nộp tiền nhấn vào đường link trong SMS, email hoặc ứng dụng VNeID để xem và tải biên lai điện tử. Bước 3: Tra cứu biên lai trực tuyến. Truy cập cổng tra cứu biên lai: https://kyta.fpt.com/tra-cuu/. Nhập mã tra cứu biên lai hoặc quét mã QR trên biên lai điện tử để truy cập nhanh. Xem, tải hoặc in biên lai điện tử. Nhận thông báo thi hành án qua VNeID Thông báo THA là việc chấp hành viên thực hiện nhằm chuyển tải các văn bản liên quan đến THA cho đương sự, đảm bảo việc THA đúng pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Theo quy định hiện hành, có ba hình thức thông báo: Trực tiếp, niêm yết công khai và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, thực tiễn THA vụ việc có số lượng đương sự rất lớn như vụ Alibaba (hơn 5.000 người) hay vụ Vạn Thịnh Phát (hơn 43.000 người) cho thấy các hình thức này không còn phù hợp. Từ tháng 6-2024, Cục THADS TP.HCM đã triển khai phần mềm thông báo THADS bằng phương tiện điện tử và đã thực hiện thành công 8.056 lượt thông báo qua SMS. Trên cơ sở đó, ngày 26-4-2025, Cục THADS TP đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an để triển khai kết nối phần mềm thông báo THADS với ứng dụng VNeID. Thông qua nền tảng VNeID, người dân sẽ nhanh chóng nhận được các thông báo THADS một cách chính xác, kịp thời và không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian. Để xem thông báo THADS trên ứng dụng VNeID, người dân chỉ cần đăng nhập vào ứng dụng VNeID. Sau đó, chọn mục “Thông tin từ cơ quan nhà nước” và chọn mục “THADS” để xem. Khi người dân xem thông báo, hệ thống sẽ hiển thị rõ các thông tin: Mã/số thông báo, tên thông báo, cơ quan gửi, số văn bản, ngày ban hành. Hệ thống sẽ ghi nhận rõ thời gian nhận thông báo và thời gian xem thông báo. Hình thức thông báo THADS qua hệ thống VNeID sẽ nâng cao tính minh bạch, công khai trong hoạt động THA, hạn chế tình trạng chậm trễ, thất lạc thông báo khi gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính. Trong bối cảnh TP.HCM hoàn tất việc sắp xếp bộ máy, việc triển khai hệ thống này nhằm khắc phục những khó khăn về nhân sự, giảm tải áp lực cho cán bộ THA, tiết kiệm nguồn lực và chi phí từ ngân sách nhà nước. Người dân giảm thiểu thời gian đi lại, giảm áp lực tiếp công dân cho cơ quan THA...• phapluat@phapluattp.vn Những thay đổi về thủ tục nộp tiền và thông báo thi hành án tại TP.HCM Hệ thống biên lai điện tử và thông báo thi hành án dân sự qua ứng dụng VNeID đã được triển khai để phục vụ tốt hơn cho người dân. Hình thức thông báo thi hành án dân sự qua hệ thống VNeID sẽ nâng cao tính minh bạch, công khai trong hoạt động thi hành án, hạn chế tình trạng chậm trễ, thất lạc thông báo... Luật và đời “Cú đánh chặn” cần thiết để phòng, chống ma túy Thời gian qua, tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy tại Việt Nam có những diễn biến phức tạp. Không ít người sau khi sử dụng ma túy đã rơi vào trạng thái mất kiểm soát, hoang tưởng, thậm chí trở nên điên loạn. Nhiều vụ án mạng kinh hoàng xảy ra mà thủ phạm là người vừa sử dụng ma túy đá hoặc các loại ma túy tổng hợp khác. Chẳng hạn, năm 2019, một thanh niên ở Bình Tân (TP.HCM) đã sát hại ba người thân rồi khai là ra tay để “tấn công loại trừ kẻ xấu, làm sạch xã hội!?”. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nghiện ma túy là tình trạng lệ thuộc về mặt tâm thần hoặc thể chất khi một người sử dụng ma túy lặp đi lặp lại theo chu kỳ. Tình trạng lệ thuộc này làm thay đổi cách cư xử, bắt buộc người đó phải sử dụng ma túy để thoát khỏi sự khó chịu, vật vã do thiếu ma túy. Để giải thoát người nghiện khỏi tình trạng lệ thuộc vào ma túy, giải pháp quan trọng đầu tiên là giúp họ cai nghiện. Việc cai nghiện ma túy có thể được tiến hành tự nguyện hoặc bắt buộc, trong đó Nhà nước luôn khuyến khích người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện. Tuy nhiên, không phải ai cũng tự nguyện và cũng không phải người nghiện ma túy nào cũng cai nghiện tự nguyện thành công. Đối với những người này, muốn cai nghiện có hiệu quả, cần có giải pháp là cách ly hoàn toàn với môi trường có ma túy. Chính vì vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về biện pháp xử lý hành chính đưa và o cơ sở cai nghiện bắt buộc, áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên. Tính từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm có hơn 20.000 người từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, trong số 100.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý thì có trên 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, khoảng 5% ở tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) và có khoảng 50% trong số đó là trẻ em (dưới 16 tuổi). Như vậy, tình trạng người chưa thành niên sử dụng ma túy trái phép và nghiện ma túy tại Việt Nam cũng rất đáng báo động. Thế nên, bắt đầu từ ngày 1-1-2022, Việt Nam áp dụng thêm biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người chưa thành niên nghiện ma túy mà không tự nguyện cai nghiện. Tuy nhiên, tình hình người sử dụng ma túy trái phép và tái nghiện ở nước ta vẫn không có chiều hướng giảm. Phân tích số liệu thống kê từ nhiều nguồn cho thấy tỉ lệ tái nghiện rất cao (có thời điểm lên đến hơn 90%). Hậu quả rất lớn gây ra cho xã hội xuất phát từ hành vi sử dụng ma túy và sự quá tải của các cơ sở cai nghiện bắt buộc đã làm cho những nhà lập pháp phải cân nhắc để có “cú đánh chặn” hữu hiệu hơn đối với việc sử dụng trái phép chất ma túy. Trong bối cảnh đó, việc hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy để cắt đứt chuỗi liên kết giữa người nghiện với bọn tội phạm buôn bán ma túy được đánh giá là cần thiết. Trước đây, tội sử dụng trái phép chất ma túy từng được quy định tại Điều 199 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã phi hình sự hóa đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Kể từ đó, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt không đủ tính răn đe ( phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 1-2 triệu đồng). Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2025 đã bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy. Cụ thể, Điều 256a quy định phạt tù 2-3 năm đối với những người sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong bốn trường hợp: (1) Đang trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế; (2) Đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy; (3) Đang trong thời hạn hai năm kể từ ngày hết thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy và trong thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; (4) Đang trong thời hạn hai năm kể từ khi tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế. Như vậy, luật chỉ xử lý hình sự đối với những người đang trong quá trình cai nghiện hoặc vừa kết thúc quá trình cai nghiện ma túy mà tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy. Ma túy luôn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân người nghiện, cho gia đình và là mối nguy hiểm tiềm ẩn cho xã hội. Ma túy là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các loại tội phạm khác như trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản... Ngoài ra, nghiện ma túy nếu không được quản lý tốt sẽ dễ dẫn đến tình trạng lây lan nghiện đối với những người khác. Do đó, việc xác định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi nguy hiểm cho xã hội và cần bị xử lý hình sự là điều hoàn toàn cần thiết và cấp bách. Điều này góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, giảm thiểu tệ nạn xã hội, đồng thời giúp các đối tượng nghiện ma túy sớm cai nghiện thành công và tái hòa nhập cộng đồng. TS CAO VŨ MINH (Tiếp theo trang 1)
RkJQdWJsaXNoZXIy Mjg2ODExMg==