7 Pháp luật & cuộc sống - Thứ Hai 14-7-2025 phapluat@phapluattp.vn TRẦN VŨ Câu chuyện ông Trần Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển cũ, Cà Mau), dính vào vụ án tham ô 10,7 triệu đồng đã gây sự chú ý đặc biệt sau khi báo Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh. Nhiều người quen biết với ông Tâm đều mạnh dạn đưa ra quan điểm của mình về con người ông, về vụ án tham ô mà ông đang dính vào. Một nhà giáo tận tụy với nghề, với đời Ngày 11-7, báo Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với nhiều bên liên quan đến vụ án ông Trần Văn Tâm bị cáo buộc tham ô 10,7 triệu đồng. Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên phạt ông Tâm 7 năm tù đã bị tòa phúc thẩm tuyên hủy để điều tra lại. Ông Trịnh Xuân Miễn, thẩm phán, chủ tọa phiên xét xử phúc thẩm, cho biết mọi quan điểm, lập luận, kết luận đã thể hiện trong bản án. Đó là quan điểm của ông và cả HĐXX phúc thẩm nên ông không có ý kiến, bình luận gì thêm. Cô giáo Lê Thị Ngọc, đồng nghiệp khoảng 30 năm với ông Tâm, nói: “Tôi biết thầy Tâm thời còn học sư phạm. Đó là một con người chịu khó, vượt khó, tinh thần trách nhiệm với công việc, với gia đình, với xã hội rất cao. Thời thanh niên, thầy gánh vác trách nhiệm nuôi các em của mình do mẹ mất sớm, nhà nghèo khó. Khi có gia đình, thầy cô khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Để vượt qua khó khăn trong cuộc sống, thầy Tâm làm rất nhiều nghề như hớt tóc, thợ mộc, thợ hàn, mua bán nhỏ. Tôi nhớ hình ảnh 2, 3 giờ sáng thầy Tâm đi mua than củi đước về để vợ bán kiếm lời. Thầy luôn nỗ lực kiếm tiền bằng chính công sức của mình”. Nói về vụ án tham ô 10,7 triệu đồng, cô Ngọc bảo: “Chuyện pháp luật tôi không hiểu biết nhiều. Nhưng tôi không tin thầy Tâm đi tham lam rồi tham ô chỉ 10 triệu bạc. Lương của thầy gần 20 triệu đồng, nhà thầy có quán phở, kinh tế thầy rất ổn. Hơn thế, tính cách của thầy rất thẳng thắn, bộc trực, rõ nét và rất quân tử”. PV cũng liên hệ qua điện thoại với hai người quản lý của ông Tâm, đó là thầy Lê Xuân Hùng và thầy Nguyễn Văn Út, đều là nguyên trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hiển (cũ). Hai thầy đều nhận xét ông Tâm là một giáo viên có năng lực, có trách nhiệm và rất nhiệt huyết với nghề. “Thầy Tâm không bao giờ ngại khó dù đôi lúc bị phân công đi trường này, trường khác, cách nhà thậm chí 30 km. Thầy Tâm tháo vát và có nhiều tài vặt. Tính cách của thầy quân tử, thẳng thắn, thấy sai là nói, thấy đúng là bênh. Thầy rất quyết đoán, thấy đúng là làm, bất chấp khuyên ngăn. Đó có thể là điểm yếu của thầy” - ông Lê Xuân Hùng nói. Chuyện kể của một học trò cũ Anh Phan Hùng Cường là một học trò cũ của thầy hiệu trưởng Trần Văn Tâm (học từ năm 1994 đến 1996). Khi được PV hỏi, anh đã kể lại câu chuyện kỷ niệm với người thầy cũ đầy ấn tượng của mình. Anh Cường kể rằng giai đoạn đó ông Tâm chưa có nhà riêng và ngoài giờ dạy là ông đi làm mọi thứ để kiếm tiền, mơ ước có được một cái nhà riêng để ở. “Tụi tôi hiểu được mơ ước của thầy, gợi ý cho thầy cây đước để dựng nhà. Lúc bấy giờ học trò Ngọc Hiển ai cũng nghèo, chẳng có gì ngoài đám rừng đước trong vuông tôm. Thầy Tâm đồng ý nhận nhưng không cho chúng tôi đem cây đước đến cho thầy, mà thầy cùng chúng tôi về gia đình xin cha mẹ rồi cùng nhau ra rừng đốn cây đước” - anh Cường kể. Trong suy nghĩ của anh Cường, ông Tâm là người cố gắng làm mọi việc để có tiền cho gia đình có cuộc sống tốt hơn nhưng ông cũng thuộc dạng có quan điểm “vô công bất thụ lộc”. Anh Cường kể tiếp: “Thầy rất rõ nét. Nhà chúng tôi cần đánh bóng cái tủ để ăn Tết, thầy đến làm và lấy tiền công đúng giá, không bớt đồng nào mà cho thêm thầy cũng không nhận. Tặng quà cho thầy đơn giản thì thầy nhận, quà có giá trị là thầy từ chối. Sau này tôi cũng vài lần trở lại thăm thầy, tặng lịch thì thầy lấy còn các thứ khác thì chắc chắn thầy sẽ treo lên xe để tôi mang trở về. Cái này hỏi hết học sinh ở Rạch Gốc, từng học qua thầy đều biết”. Nói về vụ án tham ô của ông Tâm, anh Cường bảo: “Em không tin thầy tham ô. Nhưng đó là câu chuyện của pháp luật, em không có chuyên môn nên không dám bình luận. Em chỉ mong cơ quan pháp luật hết sức cẩn thận để có một phán quyết khách quan nhất với thầy Tâm. Còn với em, với bạn bè của em, thầy Tâm 10 điểm”.• Đồng nghiệp, học trò nói về thầy hiệu trưởng bị cáo buộc tham ô Cân nhắc kỹ việc xử hình sự hiệu trưởng ở Cà Mau (Tiếp theo trang 1) Những đồng nghiệp, cấp trên của ông Tâm và cả những học trò của ông khi nghe tin vị hiệu trưởng vốn rất mực thước và “rõ nét” lại vướng vòng lao lý với cáo buộc tham ô, ai cũng ngạc nhiên, đau xót. Bởi với họ, những ông quan có thể thoái hóa, biến chất và ngã gục trước tiền muôn bạc vạn chớ ai đời một ông thầy khả kính lại đi thâm lạm số tiền chỉ nửa tháng lương để đánh đổi sự thiện lương của cả một đời. Ở xứ ta, chuyện cơ quan, đơn vị hay để cho nhân viên mua vật tư, sắt thép về lắp ráp, làm thành sản phẩm này, vật dụng kia phục vụ cho nhu cầu nội bộ là điều khá bình thường, phổ biến. Khi thì anh lái xe đi mua cái chậu về trồng cây mai để tận dụng cái cây người ta vừa biếu chưng Tết; khi thì anh nhân viên văn phòng mua những cây sắt về làm giá đỡ chậu cây, kệ đựng hồ sơ, giấy tờ. Cũng có khi anh em văn phòng mua vật tư, vật dụng về “hô biến” một căn phòng cũ thành một nơi làm việc mới để bố trí cho một bộ phận mới, một nhân sự mới được điều về… Và không phải lúc nào chúng ta cũng được cung cấp đủ hóa đơn, chứng từ cho những vật tư, vật dụng ấy. Khi đó, việc “hợp thức hóa” chúng là điều cực chẳng đã, dù không muốn nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện. Cho nên chuyện ông hiệu trưởng Trần Văn Tâm tự đi mua vật tư, sắt thép về để hàn thành cái thang, cái kệ phục vụ cho nhà trường âu cũng là điều dễ hiểu, kể cả chuyện “hợp thức hóa” hóa đơn, chứng từ. Vấn đề là ông Tâm có thâm lạm số tiền hơn 10,7 triệu đồng như cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã quy kết? Muốn chứng minh điều này, theo lẽ thông thường, chúng ta phải liệt kê tất cả vật dụng mà ông Tâm đã mua vật tư về làm cho trường, từ cái thang, cái giá đỡ tấm bảng đến cái kệ đựng tivi và kệ đựng hồ sơ, sách vở. Sau đó, chúng ta phải khảo sát giá niêm yết của từng vật dụng này ở các tiệm, cửa hàng (dĩ nhiên phải theo trình tự, thủ tục tố tụng luật định). Có ba khả năng xảy ra: 1) Nếu số tiền tổng cộng của tất cả vật dụng thành phẩm này nhiều hơn số tiền mà ông Tâm được quyết toán thì rõ ràng việc làm của ông đã mang lại lợi ích cho ngân sách của trường; 2) Nếu tổng số tiền nói trên bằng số tiền ông được quyết toán thì việc làm của ông không mang lại lợi ích gì cho trường; 3) Nếu tổng số tiền nói trên ít hơn số tiền ông được quyết toán thì có khả năng ông đã thâm lạm số tiền chênh lệch này. Ngay cả khi như thế thì cơ quan tố tụng cũng cần phải chứng minh kỹ càng hơn nữa, chẳng hạn phải tính đến những khoản chi thực tế khác như ông Tâm đã khai (như mua sơn về sơn bồn hoa). Và chỉ khi con số chênh lệch đủ định lượng (từ 2 triệu đồng trở lên) thì hành vi của ông mới được xem là có dấu hiệu cấu thành tội tham ô tài sản… Ngoài ra, cứ coi hành vi của ông Tâm là tham ô đi nữa thì việc tòa sơ thẩm kết án ông đến 7 năm tù quả là rất nặng nề. Dẫu biết mọi sự so sánh đều khập khiễng song nếu đặt số tiền 10,7 triệu đồng với mức án 7 năm tù của ông Tâm với một số người khác, chúng ta sẽ thấy rất bất tương xứng. Chẳng hạn như cựu bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh (cũ) nhận hối lộ 4,1 tỉ đồng (và nhận quà biếu 10 tỉ đồng) bị phạt 4,5 năm tù; cựu bí thư tỉnh Quảng Ngãi (cũ) Lê Viết Chữ nhận hối lộ 6 tỉ đồng trong vụ Phúc Sơn bị phạt 7 năm tù… Dù chúng ta có lập luận kiểu gì đi chăng nữa thì dư luận và cả những người am hiểu pháp luật cũng khó lòng tìm thấy sự thỏa đáng giữa các ví dụ này. Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng vụ án này còn có rất nhiều vấn đề phải cân nhắc, đánh giá lại. Có lẽ đó cũng là lý do mà tòa phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại, ngoài vấn đề vi phạm thủ tục tố tụng. Bởi theo tòa, “để giải quyết vụ án một cách toàn diện, khách quan và đúng pháp luật, cần phải làm rõ giá trị thực tế của các sản phẩm mà bị cáo Tâm đã tạo ra. Các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã bỏ qua việc định giá tài sản này. Đây là một thiếu sót mấu chốt, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định bản chất hành vi và mức độ thiệt hại (nếu có)”. Kết án một con người không chỉ tước đi một số quyền công dân của họ. Bản án tội tù còn là một cái nhãn dán vào uy tín, danh dự của không chỉ cá nhân người bị kết án mà còn của cả gia đình, dòng họ của người đó. Vì vậy, quy trình này không chỉ tuân thủ thủ tục tố tụng chặt chẽ, khách quan, đúng luật mà đòi hỏi những người tiến hành tố tụng còn phải cân nhắc, đánh giá kỹ càng bằng cả cái đầu lạnh và trái tim rất nóng. Cần nhớ rằng BLHS có một quy định rất tiến bộ là “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác” (khoản 2 Điều 8). Hy vọng sau khi có kết quả điều tra lại, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm ở Cà Mau có thể xem xét, vận dụng điều luật này để có phán quyết cuối cùng thấu lý đạt tình khiến dư luận tâm phục, khẩu phục. NGÔ THÁI BÌNH Luật và đời Thầy giáo Tâm bị dính vào vụ án tham ô 10,7 triệu đồng khiến nhiều người từng quen biết với thầy đau xót và không tin thầy tham ô. “Tính cách của thầy quân tử, thẳng thắn, thấy sai là nói, thấy đúng là bênh. Thầy rất quyết đoán, thấy đúng là làm, bất chấp khuyên ngăn. Đó có thể là điểm yếu của thầy” - ông Lê Xuân Hùng nói. Một kệ để tivi do ông Tâm tự làm. Ảnh: CTV
RkJQdWJsaXNoZXIy Mjg2ODExMg==