12
Đời sống xã hội -
ThứBa20-9-2022
Việt Nam đã khảo sát và rà phá gần
500.000 ha đất đai ô nhiễm bommìn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ
quan và địa phương liên quan khẩn trương thực hiện
tổng kết thi hành quy định pháp luật về khắc phục
hậu quả bom mìn sau chiến tranh thời gian qua theo
thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Theo Công văn 6154/VPCP-NC ngày 17-9 (về
việc tổng kết thi hành pháp luật về khắc phục hậu
quả bom mìn sau chiến tranh), xét đề nghị của Bộ
Quốc phòng về việc ban hành chỉ thị của Thủ tướng
Chính phủ tổng kết thi hành pháp luật về khắc phục
hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính có ý kiến như sau:
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ
quan và địa phương liên quan khẩn trương thực hiện
tổng kết thi hành quy định pháp luật về khắc phục
hậu quả bom mìn sau chiến tranh thời gian qua theo
thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó, nếu thấy cần thiết, căn cứ quy định
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật,
Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Tư pháp và các
bộ, ngành liên quan lập đề nghị xây dựng pháp lệnh
khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trình
Chính phủ xem xét, quyết định.
Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã khảo sát và
rà phá được gần 500.000 ha đất đai ô nhiễm và phá
hủy được hàng trăm ngàn quả bom mìn, vật nổ.
Nhiều công trình trọng điểm phục vụ phát triển
kinh tế - xã hội của đất nước được xây dựng trên
nhiều vùng đất đã được làm sạch bom mìn, vật nổ.
Hơn 5.000 trường hợp nạn nhân bom mìn và các
đối tượng bị ảnh hưởng khác đã được hỗ trợ y tế,
dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để
phát triển kinh tế với số tiền hơn 50 tỉ đồng.
Hàng trăm ngàn người, đặc biệt là trẻ em và người
dân ở những vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng được
tiếp cận với các phương pháp phòng tránh tai nạn
bom mìn. Số vụ tai nạn bom mìn giảm đáng kể,
nhiều địa phương trong nhiều năm không còn xảy ra
tai nạn do bom mìn sau chiến tranh.
TN
Đà Nẵng: Thu hồi chứng chỉ đối với
giảng viên nhờ sinh viên thi hộ
Giảng viên NTHP (Khoa luật Trường ĐH Kinh tế
Đà Nẵng) nhờ một sinh viên năm tư trong khoa thi hộ
trong buổi thi hết môn, kết thúc khóa “Bồi dưỡng theo
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính
hạng 2” do ĐH Đà Nẵng tổ chức vào tháng 4-2021.
Thời điểm này, giảng viên P đang nằm viện. Sự việc
sau đó được đồng nghiệp trong trường phát hiện và
phản ánh với lãnh đạo nhà trường.
Sau khi phát hiện sự việc, ĐH Đà Nẵng đã chỉ
đạo thu hồi quyết định kết nạp Đảng cùng chứng chỉ
“Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
giảng viên chính hạng 2” đối với giảng viên nhờ
sinh viên thi hộ.
Trao đổi với
Pháp Luật TP.HCM
, ông Phan Kim
Tuấn, Trưởng Phòng tổ chức hành chính Trường ĐH
Kinh tế, cho biết quan điểm của nhà trường là xử lý vụ
việc rõ ràng, không bao che. Đảng ủy đã ra thông báo
về việc cá nhân có vi phạm.
Tuy nhiên, giảng viên P cho rằng thời hạn xử lý
theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã
hết thời hạn 90 ngày tính từ khi phát hiện hành vi vi
phạm nên kiên quyết không thực hiện các quy trình,
thủ tục để xử lý kỷ luật. Thời điểm phát hiện vụ việc
là tháng 10-2021.
Do đó, ông Tuấn cho hay trường đang tham vấn các
ý kiến từ khoa và luật sư bên ngoài do vướng các mốc
thời gian, hiệu lực xử lý vụ việc để tránh bị kiện ngược.
“Đây là sai phạm rõ ràng nên chắc chắn không có
chuyện bao che. Trong khi đó, nếu áp dụng theo thời
điểm phát hiện vụ việc là sau khi Đảng ủy ra thông báo
về việc cá nhân có vi phạm thì vẫn trong thời hạn xử lý
kỷ luật” - ông Tuấn nói.
Về hình thức kỷ luật, ông Tuấn cho biết hội đồng nhà
trường sẽ bỏ phiếu hình thức kỷ luật đối với giảng viên
P. Còn với sinh viên thi hộ giảng viên, nhà trường cho
biết chưa xác định được danh tính. Nếu xác định được
sinh viên của trường, trường sẽ xử lý theo quy chế
công tác học sinh, sinh viên.
NGÔ QUANG
Trao hơn 160 suất học bổng cho trẻ mồ côi
do dịch COVID-19
Hội Bảo trợ người khuyết
tật và trẻ mồ côi TP.HCM
vừa phối hợp cùng các nhà
hảo tâm, đơn vị tài trợ trao
học bổng và tuyên dương học
sinh giỏi cho các em mồ côi
do dịch COVID-19.
Theo bà Nguyễn Thị Bích
Ngọc, Chủ tịch Hội Bảo trợ
người khuyết tật và trẻ mồ côi
TP.HCM, chương trình học
bổng dành cho trẻ mồ côi do
đại dịch COVID-19 là một
trong những trọng tâm hoạt
động của tổ chức hội nhằm
chăm lo về vật chất lẫn tinh
thần cho trẻ em có hoàn cảnh
đặc biệt, nhất là trẻ em mồ
côi do dịch COVID-19. Qua
đó, giúp các em có điều kiện
tiếp tục đến trường, thực hiện
quyền được học hành, được
vui chơi của các em, hạn chế
tình trạng bỏ học.
Hội cũng đã phối hợp với
chính quyền địa phương
thống kê số trẻ mồ côi do
dịch COVID-19 theo từng
cấp học và đẩy mạnh vận
động các tổ chức, cá nhân,
doanh nghiệp chung tay hỗ
trợ chăm lo cho trẻ.
“Thông qua chương trình
“Học bổng dành cho trẻ mồ
côi do dịch COVID-19”, hội
sẽ đồng hành cùng các đơn
vị tài trợ quyết tâm hỗ trợ chi
phí học tập cho các em đến
đủ 18 tuổi học hết THPT” -
bà Nguyễn Thị Bích Ngọc
nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Hội Bảo trợ
người khuyết tật và trẻ mồ
côi TP đã trao 161/360 suất
học bổng (trị giá 2-4 triệu
đồng/suất) cho trẻ mồ côi do
dịch COVID-19 ở các quận
7, 8, 10, Tân Bình, Bình Tân,
Bình Thạnh và huyện Bình
Chánh, Hóc Môn.
Ngoài ra, ban tổ chức còn
tuyên dương khen thưởng 247
học sinh giỏi mồ côi và trao
tặng 20 xe đạp cho các em
có phương tiện đến trường.
Được biết trong nhiều năm
qua, hội là điểm hẹn kết nối
những trái timyêu thương của
các tổ chức chính trị, xã hội,
các nhà tài trợ, mạnh thường
quân, các nhà hảo tâm cùng
chung tay góp sức đem sự
hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần
đến với trẻ mồ côi và người
khuyết tật. Rất nhiều chương
trình, dự án đã và đang được
triển khai như chương trình
học bổng, chương trình trao
xe lăn, xe lắc, chương trình
Cây mùa xuân, trao quà nhân
dịp lễ, tết, chương trình khám
sức khỏe, các dự án dạy nghề,
giúp phương tiện sinh kế…
trong đó chương trình Vì
tương lai học sinh khuyết tật,
mồ côi được hội thực hiện từ
năm 2000, trao 30.759 suất
học bổng với tổng kinh phí
hơn 23 tỉ đồng.
THẢO PHƯƠNG
Nguyên Phó Thủ tướng TrươngHòa Bình trao quà cho trẻ emmồ côi do COVID-19. Ảnh: BTC
Bảo tồn, phát huy 7di sảnvănhóadân tộc
cónguy cơmaimột
Bộ VH-TT&DL vừa ban hành kế
hoạch tổ chức bảy chương trình hỗ
trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn,
phát huy văn hóa phi vật thể các dân
tộc thiểu số có nguy cơ mai một tại
các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên
và Nghệ An.
Theo đó, Vụ Văn hóa dân tộc chủ
trì, phối hợp với các đơn vị, các địa
phương tổ chức chương trình hỗ trợ
nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy
văn hóa phi vật thể của các dân tộc.
Đó là lễ mừng cơm mới của dân
tộc Tày tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên
Bái; nghệ thuật khèn bè của dân tộc
Thái tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên
Bái; múa chuông và múa rùa của dân
tộc Dao ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú
Thọ; múa trống đu của dân tộc Mường
tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ; lễ
quét làng của dân tộc Phù Lá ở huyện
Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên; nghề đan
võng gai dân tộc Thổ ở huyện Quỳ
Hợp, tỉnh Nghệ An; dân ca, dân vũ,
dân nhạc của dân tộc Ơ Đu ở huyện
Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Nội dung triển khai bao gồm khảo
sát, điều tra, thống kê, thu thập thông
tin các loại hình văn hóa phi vật thể; đề
xuất giải pháp thực hiện bảo tồn, phát
huy di sản; tổ chức tập huấn, truyền
dạy, trình diễn các nghi lễ; tổ chức chụp
ảnh, ghi hình, dựng phim tư liệu về quá
trình bảo tồn di sản; in đĩa DVD phát
cho người dân nhằm phục vụ công tác
bảo tồn và tuyên truyền văn hóa truyền
thống dân tộc thiểu số…
Ở mỗi chương trình, sẽ có 70-75
nghệ nhân và học viên người dân tộc
thiểu số tham gia quá trình tập huấn.
Trong công văn, Thứ trưởng Bộ
VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy đề nghị
các sở văn hóa, UBND các địa phương
phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc thực
hiện hiệu quả các chương trình này.
Chương trình hướng tới nâng cao
nhận thức về công tác bảo tồn, phát
huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu
số, đề cao vai trò năng lực chủ thể
văn hóa của các nghệ nhân, già làng,
trưởng bản, người có uy tín và đồng
bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân
tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay.
Chương trình sẽ góp phần khôi phục,
bảo tồn các hình thức, sản phẩm văn
hóa truyền thống tốt đẹp như các làn
điệu dân ca, dân vũ, nghệ thuật trình
diễn dân gian, nghề truyền thống đang
có nguy cơ mai một, mất bản sắc của
các dân tộc Tày, Thái, Dao, Mường,
Phù Lá, Thổ, Ơ Đu ở các tỉnh Yên
Bái, Phú Thọ, Điện Biên và Nghệ An.
NT
Phần biểu diễnmúa khèn củaĐoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Yên Bái
nhânNgày hội văn hóa dân tộc H’Mông toàn quốc tại Lai Châu vào ngày 25-12-2021.
Ảnhminh họa: QUÝ TRUNG/TTXVN