Xuan-2020 - page 55

31
Tết Sài Gòn thường se se lạnh vào sáng sớm
và khuya, nhưng lòng người vẫn ấm nồng
đến lạ.
NGUYỄN TRÀ
Tết ở Sài Gòn chán
phèo, có gì đâu mà kể.
Đường vắng te, người
ta đi về quê, đi du lịch
hết rồi”. Bao lâu nay,
nhiều người vẫn luôn nghĩ
vậy. Nhưng nếu không ngại,
bạn có thể bớt chút thời gian
ngồi lại nghe tôi kể vài ba câu
chuyện, những chuyện góp
nhặt của một cô gái tỉnh lẻ đã
sáu năm gắn bó với mảnh đất
Sài Gòn và đón ba cái Tết ở
đây.
Làm từ thiện không để lại
tuổi tên
Tôi là dân miền Trung, học
ngoài Bắc bốn năm rồi vào
Nam lập nghiệp. Tôi cũng đã
từng đón Tết ở cả ba miền đất
nước, nhưng chưa thấy nơi
đâu Tết “lạ” như ở Sài Gòn.
Năm 2016 là lần đầu tiên
tôi ở lại đón Tết Sài Gòn.
Chẳng phải lãng mạn muốn
ở lại trải nghiệm cái Tết miền
Nam như thế nào, cũng chẳng
nghèo tới mức không đủ tiền
về. Nhưng với số tiền đi về
đó cộng ở lại làm thêm, tôi có
thể đủ lo học phí của cả năm
học cho hai em gái nhỏ. Tết ở
nhà sẽ có thêm vài cái giò heo,
bố mẹ bớt một nỗi lo dù biết
vắng đứa con xa chắc chắn
niềm vui đoàn tụ sẽ không
trọn vẹn.
Hôm đó, nhớ đâu là chiều
29, 30 Tết, tôi ghé Bệnh
viện Ung bướu TP.HCM trên
đường Nơ Trang Long, quận
Bình Thạnh. Chiều đã nhạt
nắng. Bệnh viện với tường vôi
trắng và thoảng trong không
khí mùi thuốc sát trùng đặc
trưng. Trên ghế đá bệnh viện
vẫn còn khoảng hơn chục
người lớn, trẻ nhỏ tụm lại trò
chuyện. Thời điểm này chỉ
còn một số bệnh nhân bệnh
nặng, tái khám hoặc không có
tiền về quê còn ở lại.
Rồi bất chợt có tiếng người
í ới gọi nhau: “Các cháu lại
xếp hàng nào, có người tới
tặng quà”. Những đứa trẻ nhỏ
hồn nhiên ríu rít bảo nhau
xếp hàng theo thứ tự. Rồi
nhà hảo tâm tới, đó là một
phụ nữ trung niên. Chị mỉm
cười hồn hậu lì xì cho mỗi em
nhỏ 100.000 đồng, xoa đầu
hỏi thăm một vài bé rồi nhanh
chóng… đi mất. Tất cả diễn
ra vỏn vẹn khoảng 5-10 phút.
Chẳng ồn ào, chẳng có màn
giới thiệu chào hỏi, chẳng ai
biết chị tên gì, đến từ đâu, làm
nghề gì, bao nhiêu tuổi…
Té ra hầu như năm nào
cũng vậy, cứ tầm cuối năm
sẽ có những mạnh thường
quân thầm lặng tới các bệnh
viện để tặng quà cho những
người bệnh, nhất là các trẻ
em đang điều trị. Của ít lòng
nhiều, người tặng kẹo bánh,
người tặng cơm, người lì xì…
“Chẳng ai để lại tên tuổi gì
đâu. Người Sài Gòn là vậy
đó”, một bệnh nhân nói với
tôi như vậy.
Ở lâu rồi mới hiểu, nhiều
người Sài Gòn tánh kỳ lắm.
Nhà giàu nứt đố đổ vách vẫn
đi xe Cub, xe Dream, uống
trà đá, ăn cơm tấm vỉa hè. Họ
đi làm từ thiện trong lặng lẽ,
chẳng lên Facebook đăng ảnh
khoe vừa giúp được người.
Nhiều cô chú chẳng khá giả
mấy, nếu không nói toẹt ra là
cũng đi kiếm từng đồng ngoài
chợ nhưng vẫn sẵn sàng dừng
lại bên đường cho những
người dưng xa lạ ổ bánh mì,
phần cơm hay vài ngàn đồng
lẻ. “Mình không phải đi xin
ăn như họ là may mắn rồi.
Người nào lừa đảo, lợi dụng
lòng tốt của thiên hạ thì cũng
gặp quả báo thôi. Giúp được
người ta chút xíu mà về mình
ăn ngon, ngủ yên vậy cũng tốt
quá rồi, cô hén”, họ nói vậy.
Người Sài Gòn ai làm thế
Ăn chơi Tết ở Sài Gòn có bị
chặt chém không? Đó đây vẫn
có những lời phàn nàn tô phở
bị tính giá gấp đôi, dĩa cơm giá
gấp ba bình thường. Nhưng
ăn Tết Sài Gòn bạn dễ dàng
bắt gặp không ít hàng quán
treo bảng xin tăng giá nghe
rất thương, đại loại “Ngày
Tết, quán xin phép được tăng
5.000 đồng/tô”. Cũng chả
khó khăn gì để gặp những
xe bánh mì, quầy xôi, quán
cà phê, trà sữa giá vẫn y như
trước Tết. “Người Sài Gòn ai
lại làm thế” - chị chủ xe bánh
mì cười khi tôi hỏi sao không
tăng giá gấp đôi ngày thường
cho bõ công cực khổ bán Tết.
Câu chuyện về cụ ông sửa xe
ngày hôm ấy tôi vẫn còn nhớ
mãi. Và đến tận sau này (trước
khi chuyển tới chỗ ở mới), mỗi
lần thay nhớt, thay thắng,…tôi
vẫn ghé ông, vừa ủng hộ cũng
là thay lời cảm ơn.
Đó là chiều 30 Tết năm
2017. Bữa đó đi làm về, tôi
chợt nhớ ra hôm nay phải thay
nhớt cho xe. Chạy lòng vòng
nhiều tuyến đường khắp thành
phố, tôi toát mồ hôi khi thấy
các tiệm sửa xe đều đã đóng
cửa nghỉ. Tết này tôi còn phải
đi làm, xe hết nhớt mà cháy
máy dọc đường thì tiêu.
Đến 19 giờ, may sao trên
đường Nơ Trang Long, Bình
Thạnh còn một tiệm sửa xe
mở cửa. Tiệm nhỏ nhỏ, chủ
tiệm là ông cụ tóc đã bạc, tay
chân lem luốc vết dầu xe. Ông
cụ đang cặm cụi sửa xe cho
một khách hàng.
- Dạ ông ơi, con muốn thay
nhớt, hết bao nhiêu ạ?
- 80.000 đồng, ông đáp gọn.
Thời điểm đó, ngày thường
tôi thay nhớt cũng tầm 80.000
đồng, nơi mắc thì tầm 100.000
đồng. Tưởng mình nghe
nhầm, tôi hỏi lại lần nữa. Ông
ngước nhìn tôi lạ lẫm rồi nhắc
lại giá tiền.
Cuộc trò chuyện sau đó của
tôi và ông cứ đứt quãng bởi
thi thoảng lại có vài ba người
tới bơm, vá xe. Bơm xe đạp
1.000 đồng/bánh, xe máy 2.000
đồng… 30 Tết, ông vẫn làm từ
7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Ông
kể chuyện, cả tháng cận Tết
ông bận suốt, toàn khách quen
đến sửa, bảo dưỡng xe để chuẩn
bị ăn Tết. Họ cứ để xe đó rồi
chiều tối quay lại lấy xe. Chỉ
vào hai chiếc xe dựng ở cửa,
ông bảo “làm cho nốt số xe kia
thì tôi về đón giao thừa”.
- Tết nhất sao ông không tăng
giá để có thêm tiền xài Tết?
- Dân Sài Gòn ai lại làm thế.
Tôi làm đây 40 năm rồi. Mình
làm ăn lâu dài chứ đâu phải
ngày một ngày hai. Làm ăn xổi
thì chỉ được một lần thôi con
- ông cười.
“Người Sài Gòn ai lại làm
thế” đã thành câu cửa miệng
của bao nhiêu người rồi?
Lòng người vẫn ấm
Tết ở Sài Gòn chẳng sợ kẹt
xe, tắc đường. Xách xe chạy
khắp mấy tuyến đường mà
ngày thường chật như nêm,
chỉ muốn mắc võng nằm luôn
ra đường ngủ như Cách Mạng
Tháng Tám, Điện Biên Phủ,
cầu Kênh Tẻ… giờ thấy “đã”
gì đâu. Sài Gòn là nơi cưu
mang hàng triệu người con
khắp tứ phương. Tết là dịp
đoàn tụ, người ta rời thành
phố để về với gia đình, tạm xa
nỗi lo cơm áo gạo tiền nên Sài
Gòn vắng vẻ cũng là điều dễ
hiểu.
Nhưng Sài Gòn còn rất
nhiều con người lặng lẽ tìm
tới bệnh viện giúp đỡ những
mảnh đời bất hạnh được ăn
Tết mà chẳng để lại tuổi tên.
Các chiến sĩ công an vẫn tuần
tra xuyên Tết giữ bình yên
cho thành phố. Đêm giao
thừa, nhiều nhóm bạn trẻ
chạy xe máy khắp thành phố
để trao tận tay những người
cơ nhỡ, không nơi nương tựa
gói xôi, ổ bánh mì nóng hổi…
Tết Sài Gòn thường se se lạnh
vào sáng sớm và khuya, nhưng
lòng người Sài Gòn vẫn ấm
nồng đến lạ. Vì thế, có thể
nói Tết Sài Gòn vắng, Tết Sài
Gòn buồn nhưng xin đừng
nói Tết Sài Gòn nhạt.
Mà thực ra Tết chẳng ở đâu
nhạt cả. Tết chỉ nhạt đi bởi
toan tính của lòng người!•
Đừngvội nói
Tết Sài Gòn
nhạt
Thực ra Tết
chẳng ở đâu
nhạt cả. Tết
chỉ nhạt đi bởi
toan tính của
lòng người!
1...,45,46,47,48,49,50,51,52,53,54 56,57,58,59,60,61,62,63,64,65,...104
Powered by FlippingBook